SỰ THẬT

Là trưởng Bộ giáo lýđức tin, ngài là người cao nhất trong Giáo Hội có nhiệm vụ bảo vệ chân lí đức tin. Người ta có luôn biết chắc được cái này là chân lí hoặc cái kia là phản chân lí không ?

Mỗi cá nhân luôn biết mình có thể sai lầm. Nhưng không thể có cảnh ki-tô hữu có đức tin lại phải lần mò trong bóng tối, chẳng biết mình thật sự tin gì. Nếu thế, thì rồi dần dà sẽ chẳng còn ai biết mình tin gì nữa, và mỗi người cứ tự do đi tìm cái mình muốn. Nếu ta chẳng còn cái gì chung và chẳng còn một bản sắc khả giác nào nữa, nếu đức tin mất hết sắc cạnh, thì Ki-tô giáo trên thực tế chẳng còn gì nữa để mà biện minh. Và lúc đó mình phải chấp nhận sập tiệm, và chẳng còn biết mình muốn gì nữa.

Là người công giáo, ta có thể nói rằng – những người khác cũng có thể nói theo cách của họ - ngay từ đầu, các tông đồ đã truyền cho ta một bản sắc đức tin, và nội dung đó đã được viết ra. Trong chương 6 thư gởi giáo đoàn Rô-ma thánh Phao-lô đã nói : « Qua phép rửa, anh chị em đã được đưa vào một loại giáo lý». Nói cách khác : Ngay thánh Phao-lô đã nhìn ra [qua nghi thức phép rửa] nội dung bản sắc đức tin Ki-tô giáo, trong đó tóm gọn những gì ta nhận được từ Đức Ki-tô - và cả từ toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Những công thức đức tin này, theo Phao-lô, làm nền và định nghĩa cho phép rửa; từ những lời Kinh Thánh, chúng đã rất sớm biến thành chính lời tuyên xưng đức tin, và sau đó trở thành qui điều đức tin, những điểm này đều thực sự bắt nguồn từ các tông đồ

Đó là bản sắc đức tin của ta ?

Đúng. Dĩ nhiên từ thế kỷnày qua thế kỷkhác, đức tin đó đã dần được phát triển và làm cho chính xác thêm, nhưng không phải vì vậy mà nó thành ra vô định. Vì thế, phải chống lại các tư tưởng cào bằng, phải chống lại các quan điểm cho rằng đức tin không cụ thể. Đức tin có nội dung. Và vì nội dung này có thể diễn tả được, nên nó cũng có những ranh giới. Ta có thể biết, bắt đầu từ lúc nào thì một người nào đó rõ ràng hết còn là ki-tô hữu. Và khi một người không còn và không thể là ki-tô hữu nữa, người đó nên có can đảm tuyên bố : Tôi không thể sống với bản sắc đó nữa, không thể nhìn nhận đó là chân lí nữa, và tôi xin thôi. Còn thứ sương mờ, trong đó mọi thứ bị thoái hoá thành mớ thói quen nhập nhằng, thì chẳng có lợi cho ai cả.

Phương châm giám mục của ngài là « Thợ của chân lí ». Vì đâu ngài chọn câu này ?

Tôi là một người mê đọc Kinh Thánh, và không hiểu sao ngay từ đầu câu này trong lá thư thứ ba của thánh Gio-an đã làm tôi mê say. Thoạt tiên, ý nghĩa của nó khá hạn chế. Tôi hiểu thế này, ai đón nhận sứ giả của Tin Mừng, kẻ đó trở thành người thợ của chân lí. Và khi đón nhận sứ giả, chính người đó đã vào làm việc trong vườn này rồi.

Phải nói, trong mấy chục năm dạy học, khủng hoảng về yêu sách chân lí đã lay động tôi rất mạnh. Tôi lo không biết phải hành xử thế nào với ý niệmchân lí của Ki-tô giáo, một phần cũng vì ngại bị coi là thiếu tôn trọng đối với các tôn giáo khác. Vấn đề là ta được phép sử dụng ý niệmđó đến mức độ nào ?

Tôi đã ưu tư rất nhiều về câu hỏi đó. Cuối cùng, tôi suy ra, là nếu mình không đề cập tới vấn đề chân lí nữa, thì cũng có nghĩa là mình đi ra khỏi nền tảng mọi vấn đề. Bởi vì Ki-tô giáo không giống như các tôn giáo khác, đặc điểm đức tin của nó ngay từ đầu không ưu tiên dựa trên các kĩ thuật luyện tập và quan sát như nơi nhiều tôn giáo khác, các tôn giáo này chủ yếu dựa vào việc tuân giữ một số nghi thức nào đó.

Ki-tô giáo xuất hiện, là để nói cho chúng ta hay điều gì đó về Thiên Chúa và trần gian, và cả về chính chúng ta – nghĩa là về cái gì là thật và cái gì trao ban cho ta sự sáng. Vì thế, tôi đi tới nhận thức là trong thời đại khủng hoảng này, một thời đại đạt được nhiều chân lí trong khoa học tự nhiên, nhưng đồng thời lại đẩy các vấn nạn nhân sinh vào vòng chủ quan, chuyện đi tìm chân lí, và cả việc can đảm tuyên xưng nó, lại càng trở nên khẩn thiết. Vì thế, câu tôi chọn nói lên phần nào trách nhiệm của một linh mục và một nhà thần học, họ cần cố gắng, trong khiêm tốn và trong nhận thức về khả năng hữu hạn của mình, trở nên những người thợ của chân lí.